Những cấm kỵ khi đi du lịch Trung Quốc
Du lịch Trung Quốc là điểm đến lý tưởng dành cho những ai đam mê khám phá những nét văn hóa lâu đời và đặc trưng của quốc gia này. Mặc dù Trung Quốc có nền văn hóa phương Đông khá gần gũi và tương đồng với nước ta, thế nhưng đâu đó vẫn còn tồn tại một vài khác biệt nhất định khiến nhiều du khách Việt Nam cảm thấy vô cùng bỡ ngỡ khi đến đây du lịch lần đầu. Dưới đây là một số điều cấm kỵ tại Trung Quốc mà Top Ten Travel muốn chia sẻ đến các bạn! Đừng bỏ qua bạn nhé!
Những hành vi lệch chuẩn nơi công cộng
Khi ghé thăm các khu vực công cộng tại Trung Quốc, du khách cần lưu ý tuyệt đối không được phép leo trèo, ngắt hoa, bẻ cành, giẫm lên cỏ ở công viên và các địa điểm di tích du lịch, không có những hành động thái quá như ném đồ vật, trái cây,... vào các con thú, tuyệt đối cấm những hành vi gây phá hủy các công trình kiến trúc như viết, vẽ bậy lên tường, tượng,... Nếu vi phạm, du khách sẽ ngay lập tức bị cảnh cáo hay nộp phạt. Ngoài ra, du khách không được phép cầm súng và thản nhiên đi lại trên đường phố hay khu vực công cộng. Dù không có ý định gây hại cho bất kỳ ai thì đây vẫn được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian tham quan, nghỉ dưỡng tại đất nước tỷ dân, du khách tuyệt đối không được tham gia vào những hoạt động phạm pháp như mại dâm, cờ bạc, sử dụng ma túy, buôn người,... Hậu quả của những việc làm này là vô cùng nghiêm trọng, thậm chí có thể sẽ phải ngồi tù.
Xúc phạm nền văn hóa địa phương
Người dân Trung Quốc đặc biệt coi trọng văn hóa nước nhà. Vì thế dù là vô tình hay cố ý thì việc xúc phạm nền văn hóa địa phương tại Trung Quốc cũng sẽ chịu những hình phạt khá nặng. Do đó khi đi tour du lịch Trung Quốc, khách tham quan cũng nên chú ý đến những nét văn hóa trong sinh hoạt và ứng xử của người dân ở từng địa phương, từng địa điểm du lịch cụ thể để điều chỉnh hành vi của bản thân cho phù hợp.
Không được cắm đũa vào bát cơm
Đôi đũa là một dụng cụ ăn uống truyền thống của Trung Quốc. Ngoài việc sử dụng để gắp thức ăn trong các bữa ăn, đũa còn có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với người dân nước này. Theo nghi thức trong tang lễ từ xa xưa, người Trung Hoa thường dùng đũa để cắm lên trên những bát cơm cúng dành cho người đã khuất. Vì thế, nếu được người dân mời dùng bữa tại nhà, du khách tuyệt đối không được phép cắm đũa lên bát cơm, cũng như không dùng đũa để chỉ trỏ vào người khác trong lúc dùng cơm. Đây là điều tuyệt đối cấm kỵ ở Trung Quốc. Thay vào đó nên đặt hai chiếc đũa nằm song song ngay ngắn trên bát cơm hoặc trên bàn. Ngoài ra, người dân Trung Quốc còn kiêng kỵ việc sử dụng đũa để gõ lên bàn hay chơi đùa trong bữa ăn.
Không được viết tên người bằng bút mực đỏ
Theo quan niệm của người dân đất nước tỷ dân, màu đỏ là màu tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc và vui vẻ. Thế nhưng, du khách đến đây tham quan sẽ khó có thể tìm thấy ai sử dụng bút màu đỏ để viết tên người. Bởi theo quan niệm của người Trung Quốc từ bao đời nay, họ chỉ dùng bút có mực đỏ để viết tên của người đã khuất trên bia mộ. Việc viết tên ai đó lên giấy hay trên máy tính bằng màu đỏ là sự xúc phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với người đó.
Không gội đầu vào ngày đầu năm mới
Cũng giống như Việt Nam, ngày Tết cổ truyền đối với người Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chính vì lẽ đó mà những hoạt động hay việc làm trong những ngày này rất được mọi người chú trọng. Trong số đó, việc cấm gội đầu vào ngày đầu năm mới được xem là một hành động kiêng kỵ tại quốc gia này. Bởi trong tiếng Trung Quốc, từ “tóc” là “phát”, cùng âm đọc với từ “phát tài”. Nếu gội đầu sẽ đồng nghĩa với “gội sạch tiền tài”, gột rửa hết vận may, tài lộc của bản thân. Điều cấm kỵ này của Trung Quốc đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến một số quốc gia khác trong khu vực, trong đó có thể kể đến Việt Nam.
Không đội mũ màu xanh lá
Du khách khi đi tour Trung Quốc nên tránh đội mũ có màu xanh lá cây. Sở dĩ có phong tục này là bởi trong tiếng Trung, chữ “đội mũ xanh” phát âm giống với chữ ‘cắm sừng’ nên người dân kiêng không đội mũ có màu này. Ngoài ra, việc tặng mũ cho người khác cũng bị coi là điều cấm kỵ tại quốc gia này. Dựa theo nghi thức tang lễ của người dân Trung Quốc, những người tham gia sẽ mặc trang phục có màu trắng và đội mũ có chóp nhọn. Vì vậy việc tặng mũ chính là biểu thị cho những điều xui xẻo, không tốt đẹp sắp xảy đến.
Không tặng ô
Từ “ô” trong tiếng Quảng Đông có phát âm gần giống với từ “chia xa”. Vì thế, việc sử dụng ô để làm quà tặng cho người khác sẽ khiến nhiều người hiểu lầm là mình không muốn gặp mặt họ nữa. Đặc biệt, đây cũng là món quà kiêng kị nhất đối với các cặp đôi tình nhân.
Không tặng đồng hồ
Bên cạnh ô thì đồng hồ cũng là món quà tặng cấm kỵ nhất trong quan niệm văn hóa Trung Hoa. Bởi trong tiếng Quảng Đông, hành động tặng đồng hồ đồng âm với cụm từ “món quà kết thúc”, hay có thể hiểu là món quà dành cho người đã khuất. Nhớ đừng tặng đồng hồ cho người Trung Quốc để tránh những hiểu lầm không đáng có bạn nhé!
Hạn chế dùng số 4
Trong tiếng Trung Quốc, số 4 được đọc là “tứ”, gần giống với từ "tử", mang nghĩa chỉ cái chết. Vì thế, người dân nước này hạn chế sử dụng số 4 gần như là tuyệt đối ở nhiều nơi. Đó cũng là lý do vì sao khi đến Trung Quốc tham quan, du khách sẽ không tìm thấy tầng 4 trong thang máy, thay vào đó là chữ cái tiếng Anh "F" thay thế.
Ngược lại, nếu quà tặng mà đi kèm theo số 8, chẳng hạn như một bộ có 8 tách trà, thì lại được xem là một điềm tốt. Bởi trong quan niệm của người dân Trung Hoa, số 8 là một con số vô cùng may mắn, tượng trưng cho sự thịnh vượng. Âm của số 8 trong tiếng Trung được đọc là “bát”, nếu đọc chệch đi sẽ tương tự như chữ “phát”, với ý nghĩa giàu sang, phát đạt.
Không rưới nước tương lên cơm
Việc rưới thêm ít nước tương lên cơm hay đồ ăn là một việc làm hết sức quen thuộc và bình thường tại Việt Nam nếu cảm thấy món ăn chưa vừa miệng. Tuy nhiên, khi thưởng thức ẩm thực tại Trung Quốc, du khách tuyệt đối không nên làm việc này. Đây được xem là một hành vi thiếu tôn trọng đối với những người đầu bếp, đặc biệt tại các nhà hàng, quán ăn sang trọng. Những người đầu bếp đã vất vả và kỳ công để làm ra những món ăn thơm ngon, hấp dẫn phục vụ cho bạn. Vì thế bạn không nên rưới thêm nước tương lên cơm của mình dù là do bạn thật sự không hài lòng với hương vị món ăn hay chỉ đơn giản là thói quen ăn uống.
Văn hóa tiền tip
Khác với một số quốc gia khác trên thế giới, du khách không nên sử dụng tiền tip cho nhân viên phục vụ khi sử dụng các dịch vụ tại Trung Quốc. Đưa tiền tip cho nhân viên tại nhà hàng, khách sạn,... được người Trung Hoa xem như là một hành động thất lễ. Nếu du khách vẫn cố tình làm điều này tại đây có thể sẽ khiến người khác có cái nhìn không mấy thiện cảm về mình đấy!